Mặc dù quyết định hạ lãi suất cơ bản được khá nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình, song các cảnh báo về sự thận trọng trong nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục được đưa ra.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, Ngân hàng Nhà nước đã có một quyết định đúng đắn khi đồng thời ban hành 4 văn bản về việc hạ lãi suất cơ bản (từ 14% xuống 13%), lãi suất chiết khấu (từ 13% xuống 12%), cũng như tăng lãi suất cho dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để tại ngân hàng nhà nước (từ 5% lên 10%) và cho phép ngân hàng có nhu cầu thanh toán trước hạn tín phiếu bắt buộc.
Điều này sẽ giúp nới lỏng hạn chế tín dụng, tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay và lãi suất huy động, giúp người vay, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.
Trao đổi về những e ngại liên quan đến việc nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ liệu có ảnh hưởng tới chống lạm phát hay không, TS. Nguyễn Quang A cho rằng, chính sách phải uyển chuyển và thay đổi theo tình hình, không nên cứng nhắc và đáng mừng là chính sách tiền tệ của Nhà nước hiện nay đang theo hướng này.
Với cái nhìn khá lạc quan về việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A tính toán rằng, nếu mức tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng được duy trì không quá 0,5%/tháng thì đến tháng 9/2009, mức lạm phát (so với tháng 9/2008) sẽ không quá 6,17%. “Nếu đúng thế thì lạm phát không còn là vấn đề nóng bỏng và việc cung ứng vốn cho phát triển trở nên quan trọng hơn”, TS. Nguyễn Quang A nói.
Trong khi đó, mặc dù đồng tình với quyết định hạ lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, bởi khi lạm phát xuống thì phải hạ lãi suất để “cứu” sản xuất, để tăng trưởng, nhưng ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ban Tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa lại cho rằng, nếu tiền tung được ra nhiều, mà không được quản lý tốt, lại bị đưa vào chỗ không sinh ra hiệu quả kinh tế thì sẽ kích thích lạm phát. “Vì thế vẫn phải thận trọng”, ông Kiêm nói.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, việc giảm 1% lãi suất cơ bản là bình thường và đây là điều đã được tính toán từ trước.
“Nhưng đừng giảm đến mức người tiêu dùng phải rút tiền ra khỏi ngân hàng”, ông Ánh cảnh báo và cho rằng, đúng là giảm lãi suất cơ bản trong trường hợp này không thực sự có ý nghĩa, nhưng lại phải rất thận trọng đối với các quyết định về việc thanh toán trước hạn tín phiếu bắt buộc và tăng lãi suất dự trữ bắt buộc lên gấp đôi.
“Cả hai động tác ấy đều đưa đến một kết quả chung là tăng cung tiền vào lưu thông. Trong bối cảnh lạm phát bước đầu được kiềm chế nhưng chưa vững chắc, thì việc tăng cung tiền cần được nhìn nhận một cách thận trọng. Vấn đề là nguồn tiền ấy sẽ đi đâu? Có thực sự đến được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để cứu họ không, hay lại tập trung vào các dự án khổng lồ, chưa có hiệu quả ngay tức khắc, mà phải nhiều năm nữa mới thấy được? Nguồn tiền ấy khi được đưa vào thị trường có thể sẽ gây ra tình trạng lạm phát tiền tệ. Hàng không tăng, chi phí không tăng, nhưng vì tiền nhiều quá nên giá phải tăng và đó là cái đáng sợ nhất trong thời gian tới”, ông Ánh phân tích.
Thực tế, ngay từ trước khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất cơ bản, không ít chuyên gia kinh tế đã đưa ra các cảnh báo về việc nên thận trọng trong nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi dù đã có những dấu hiệu ổn định, song các nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là lạm phát tính chung cả năm vẫn dự báo ở mức cao.
Bước đi của Ngân hàng Nhà nước lần này có thể coi là quyết định được khối doanh nghiệp mong chờ nhất, vì kể từ khi Chính phủ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn trong tiếp cận tín dụng để duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh. Các dự báo về việc đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp cũng đã được đưa ra. Song bên cạnh việc cứu doanh nghiệp, việc quan trọng hơn là phải ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trước mắt và trong cả năm 2009, phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và ưu tiên kiềm chế lạm phát. Theo quan điểm của ông Kiêm, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cơ bản lần này chỉ là bước áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt một cách linh hoạt, chứ không phải là nới lỏng. “Chỉ khi lạm phát xuống đến một con số, có lẽ phải sang đầu năm 2010, không thể nhanh được, thì mới nên nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Kiêm phán đoán.
Theo Hà Nguyễn
Báo Đầu tư