fbpx

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia bị “trừng phạt”

(AT Express) – Một thương hiệu lớn nhất nhì thế giới là Samsung đang vướng phải vấn đề rắc rối vì giữ lượng tiền mặt quá lớn. Cụ thể, trong tháng 8/2014, chính quyền Tổng thống Park Geun Hye đã công bố dự thảo kế hoạch đánh thuế 10% đối với lượng tiền mặt thặng dư, vốn nên được chuyển thành lương, khoản đầu tư hoặc trả cổ tức cho cổ đông thay vì được cất trong ngân hàng.


Nếu dự thảo được thông qua, Samsung là công ty bị ảnh hưởng lớn nhất vì theo thống kê, Công ty Samsung Electronics đang giữ lượng tiền mặt cao hơn Apple tới 58%. Ước tính đến cuối tháng 6/2014, số tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn mà Samsung giữ lên tới 60 tỷ USD, nhiều hơn gần gấp đôi so với khoản 38 tỷ USD của Apple.


Trên thực tế, các tập đoàn gia đình Hàn Quốc có cấu trúc sở hữu chéo từ lâu bị chỉ trích vì giúp các thành viên trong gia đình kiểm soát những nhóm liên kết, từ đó gây thiệt hại cho cổ đông thiểu số và xã hội nói chung.  “Khả năng các công ty tăng đầu tư, trả cổ tức hoặc tăng lương mạnh mẽ là khá thấp vì quy định này chỉ có hiệu lực tạm thời”, ông Sangyun Han – Giám đốc Công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) trụ sở Hongkong nhận xét.

 

Đạo luật thuế trên được nhiều người ủng hộ vì trong năm qua, chính phủ nước này đã bơm 11,4 tỷ USD kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng chưa đạt được kết quả. Đây được coi như một hành động thiết thực bảo vệ quyền lợi của các cổ đông đồng thời có thể kích cầu nội địa.

 

Theo một nhà chức trách Hàn Quốc, chính sách trên không nhằm mục đích thu tiền mà mục tiêu là tạo ra một chu kỳ tuần hoàn để trả lợi nhuận doanh nghiệp về cho các hộ gia đình. Như vậy, nếu được thông qua, quy định mới này sẽ được áp dụng trong vòng 3 năm, tính từ tháng 1/2015.

Mới đây ngân hàng Standard Chartered lại đang phải đối mặt với khoản phạt mới lên tới 300 triệu USD từ Sở dịch vụ tài chính New York (DFS) vì bị cáo buộc không phát hiện ra các giao dịch đáng ngờ. Đây không phải lần đầu Standard Chartered bị DFS trừng phạt mà trước đó, Standard Chartered đã bị DFS phạt nặng do vi phạm cam kết cải thiện các quy trình thủ tục cách đây hai năm.

 

Vụ bê bối mới này diễn ra ngay sau khi Standard Chartered dàn xếp xong các cáo buộc từ các nhà chức trách Mỹ, trong đó có DFS, cho rằng ngân hàng này đã vi phạm các quy định về trừng phạt của Washington, cấm các ngân hàng giao dịch với Sudan, Iran, Libya và Myanmar.

 

Theo thỏa thuận, Standard Chartered đã đồng ý nộp phạt tổng cộng 667 triệu USD cho các nhà chức trách Mỹ, trong đó có 340 triệu USD nộp cho DFS. Khoản phạt dân sự kể trên được đưa ra sau khi có cáo buộc rằng ngân hàng này đã che giấu hơn 60.000 giao dịch với các khách hàng Iran trị giá lên tới 250 tỷ USD trong hơn 10 năm.

Không chỉ phạt tiền, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các hoạt động điều tra ở cấp liên bang đối với Standard Chartered chưa chấm dứt. Bộ này sẽ làm việc với các đối tác giám sát và thực thi pháp luật để buộc Standard Chartered chịu trách nhiệm về bất cứ vi phạm nào với các lệnh cấm vận của Mỹ.

 

Trong đó có việc gia hạn hợp đồng với một giám sát viên chống rửa tiền của chính quyền Mỹ tại chi nhánh New York của ngân hàng này trong thời gian tới. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định họ đang cân nhắc xem để đưa ra hành động thích hợp. Còn Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thì cho biết, họ tiếp tục hợp tác với các cơ quan khác để tìm kiếm một giải pháp toàn diện.

 

Không thoát khỏi số phận, 12 công ty sản xuất linh kiện ô tô của Nhật Bản cũng vừa vị Trung Quốc phạt 200 triệu USD vì vi phạm ấn định giá. Đây là một động thái trong chiến dịch điều tra quy mô lớn bậc nhất kể từ khi luật chống độc quyền được quốc gia này ban hành 6 năm về trước.

 

Theo đó, 8 nhà sản xuất bộ phận ô tô Nhật Bản và 4 nhà sản xuất linh kiện khác đã bị kết tội có hành vi cấu kết. Trong đó, hai Công ty Sumitomo Electric và Yazaki lãnh mức phạt nặng nhất, bên cạnh các công ty khác như Denso, Aisan Industry và NSK, theo thông cáo đăng trên trang web của Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc. Những công ty còn lại bị nhắc tên trong thông cáo của Ủy ban là Hitachi Automotive Systems, Mitsubishi Electric, Mitsuba, Furukawa Electric, Nachi-Fujikoshi, Jtekt và NTN.

 

Riêng hai Công ty Hitachi và Nachi-Fujikoshi đã được miễn án phạt vì tự giác báo cáo về thỏa thuận độc quyền giữa các công ty, cũng như cung cấp bằng chứng cho các quan chức điều tra. Được biết, các bộ phận ô tô bị ấn định giá được sử dụng trong hơn 20 mẫu ô tô của các hãng Toyota, Honda, Nissan, Suzuki, Ford, theo thông tin từ thông cáo.

 

Trên thực tế, những sai phạm của các DN đang bị phát hiện ở từng quốc gia riêng lẻ, nhưng theo nhận định của S&P, điều đó không có nghĩa là họ không vi phạm ở các nước khác. Vì trên thực tế, những thương hiệu lớn này có mặt ở tất cả các quốc gia khác nhau ở mọi châu lục. Từ đó, báo cáo của S&P cho rằng, những quốc gia khác cũng nên xem xét và rà soát kỹ những điều khoản hợp tác đầu tư để tránh bị lợi dụng kẽ hở luật pháp, gây thiệt hại không đáng có.

 

Thoi bao ngan hang


Copyright© AT Express Ltd. All rights reserved.